Đảm bảo tốt việc thực hiện trách nhiệm
Góp ý vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), ĐBQH Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) cho rằng, việc tiếp tục duy trì mức đóng 2% kinh phí công đoàn như quy định tại dự thảo là hết sức cần thiết, bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với đoàn viên, người lao động.
Đồng tình với ý kiến trên, nhiều đại biểu cũng đề nghị, tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2% được quy định tại Điều 29. Bởi, nguồn thu kinh phí công đoàn đã được duy trì và phát huy hiệu quả sau hơn 60 năm (kể từ khi có Luật Công đoàn vào năm 1957). Nguồn kinh phí này được sử dụng tại công đoàn cơ sở chủ yếu để trực tiếp chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, như: thăm hỏi ốm đau, quà sinh nhật, quà Tết hoặc tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao.
Công đoàn Việt Nam hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do cơn bão số 3 (Ảnh: T.L). |
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung một số nội dung để phù hợp với thực tiễn, như: quy định tạm dừng, miễn, giảm đóng kinh phí công đoàn đối với tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn tại Điều 30, nên khi thực hiện chính sách này nguồn thu từ kinh phí công đoàn dự kiến sẽ giảm hơn.
Tuy nhiên, khi đó Công đoàn cấp trên vẫn thực hiện hỗ trợ, bảo vệ và duy trì quyền lợi cho đoàn viên, người lao động tại công đoàn cơ sở khi thuộc trường hợp tạm dừng, miễn, giảm đóng kinh phí. Do đó, việc luật hoá và tiếp tục duy trì mức đóng 2% kinh phí công đoàn như quy định của dự thảo luật là hết sức cần thiết, bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với đoàn viên, người lao động; trách nhiệm trong xây dựng quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ, góp phần ổn định và phát triển các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.
Phân tách trách nhiệm công đoàn các cấp
Liên quan tới các biện pháp nhằm bảo đảm cho cán bộ công đoàn hoạt động được quy định tại Điều 28 của dự thảo luật, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị, tại khoản 2 cần bỏ từ “hoặc” và sửa lại thành “người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc chuyển làm công việc khác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn cơ sở và ý kiến bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp...”.
Theo lý giải của đại biểu, tại khoản 2 Điều 27 dự thảo Luật quy định thì các uỷ viên Ban Chấp hành công đoàn cơ sở được người sử dụng lao động trả lương. Do đó nếu quy định như dự thảo Luật dễ xảy ra trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu hoặc ép buộc Ban chấp hành công đoàn cơ sở đồng ý thỏa thuận, gây thiệt thòi cho cán bộ công đoàn bị sa thải, thôi việc.
Từ đó, dẫn đến tâm lý cán bộ công đoàn không dám đấu tranh vì người lao động. Việc bổ sung quy định phải có ý kiến bằng văn bản của Ban Chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp là hết sức cần thiết, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ công đoàn cơ sở.
Cũng liên quan đến Điều 28, đại biểu đánh giá quy định tại khoản 3 còn chung chung, chưa rõ công đoàn cấp nào có trách nhiệm bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở khi bị chấm dứt hợp đồng, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ quy định này.
Nội dung này nên quy định trách nhiệm cho tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở và sửa đổi lại như sau: “Trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách bị người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật thì Công đoàn cấp trên cơ sở có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp; nếu được ủy quyền thì công đoàn cấp trên cơ sở đại diện khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ công đoàn”.
Nguồn bài viết : PT Trực Tuyến